Những điều kiêng kỵ ở làng nghề đúc đồng Đại Bái

Làng Đại Bái là một trong ba thôn của xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Làng có nghề gò, đúc đồng truyền thống nổi tiếng, bên cạnh các nghề như dát đồng, gò dát nhôm. Ông tổ nghề gò, đúc đồng là cụ Nguyễn Công Truyền.

Việc trông coi đình làng Đại Bái

Mọi nam giới đến tuổi 49 (tứ cửu), là “tuổi ra lềnh”, có nhiệm vụ ra trông đình Văn Lãng và đình Diên Lộc, mọi người trong hội đồng niên tuổi 49 có nhiệm vụ thắp hương hằng ngày ở đình thờ Tổ.

Cứ như vậy, năm nay số người đồng niên tứ cửu đến lễ, năm tới lại là tốp người kế tiếp vào tuổi ấy ra thắp nhang hằng ngày từ sáng sớm. Những người đi làm ăn xa không về được, có thể gửi hương về, nhờ bạn cùng tuổi mình thắp hộ. Mỗi năm có ba ngày lễ để tưởng nhớ tiền tiên sư: hai ngày thuộc loại Xuân thu nhị kì, lễ đầu năm (6/2 ÂL) và lễ nhị tiết (16/8 ÂL).

Việc tế lễ ngày giỗ cụ tổ làng nghề

Ngày giỗ cụ tổ làng nghề diễn ra 3 ngày từ 27 đến 29/9 ÂL, chính lễ vào hôm 29/9. Người mọi nơi xa về dự lễ, thường mang theo những sản phẩm gò đồng, đúc chạm đồng mà mình chế tác được, về đặt trên hương án thờ tổ nghề.

Việc tế tổ được phân công cho những người đứng đầu các họ lớn, những vị ấy gọi là các cụ trùm, hoặc hương trùm, gọi chung là nóc các cụ trùm. Chỉ các cụ mới được giao vai tế chủ. Các lý dịch, chức sắc và quan viên trong làng không được giao trách nhiệm này vì không phải là đại diện cho nghề.

Lễ vật dâng lên trong ngày tế tổ gọi lễ cỗ soạn, mỗi xóm biện 2 mâm, ngoài ra có thêm xôi gà, quà bánh. Sau khi cúng tế, cỗ soạn là dành kính các cụ trùm. Các lý dịch, chức sắc, tư văn không được dự những cỗ ấy mà dự những mâm xôi gà do các xóm mang ra.

Kiêng kỵ ở làng Đại Bái

Trong việc dạy nghề gò, đúc đồng, đúc tượng đồng

Dân làng Đại Bái phải kiêng tên, không được nhắc đến chữ “truyền”. Dặn dò nhau học nghề cũ, chứ không ai dám truyền nghề. Dân làng nhất trí chỉ dành danh hiệu thần cho vị tổ sư mà thôi. Một nghệ nhân lão thành xuất sắc và có uy tín đến đâu, khi dạy cho con cháu, thì chỉ là kẻ dìu dắt, không ai xem đó là thầy cả.

Trong việc cưới hỏi

Ngày xưa trong việc cheo cưới, người Đại Bái không được lấy chồng, lấy vợ nơi khác. Người đi lấy vợ được nhận của hồi môn là một cái búa và một cái đe. Ngày rước dâu, đi sau cụ già cầm hương là một ông già, một bà già cầm búa cầm đe, cùng với một thiếu nữ vác đôi chiếu, rồi tiếp đó mới đến họ gái phù tá cô dâu về nhà chồng. Lễ nạp cheo của nhà trai gồm có một đôi mâm đồng, phải tự gia đình làm ra, chứ không đi mua của người khác, dù là người cùng làng Đại Bái.

Chat Zalo
0985231059