Làng nghề đúc đồng đang hồi sinh và phát triển mạnh theo năm tháng

Làng đúc đồng Đại Bái là một làng nghề truyền thống nổi tiếng bởi công nghệ chế tác ra các sản phẩm bằng đồng phục vụ tế lễ, hội hè như chuông, chiêng, kiểng, mõ, phèng la. Các vật dụng thông thường trong đời sống hằng ngày như lư hương, chân đèn, nồi niêu, xoong chảo, chén bát và tượng đồng, phù điêu, tượng chân dung…

Thời thịnh vượng nhất của làng có tới 90% hộ làm nghề đúc đồng. Trong nhà ngoài ngõ lúc nào cũng rộn rã tiếng đe, tiếng búa. Sản phẩm đồng của làng còn theo chân các nhà buôn đi khắp mọi miền đất nước. Nghề đúc đồng ở làng nổi tiếng tới mức các vua chúa đã mời các nghệ nhân của làng về để đúc tiền cùng các tác phẩm nghệ thuật trang trí hay đồ gia dụng.

Nền kinh tế thị trường phát triển, các cơ sở sản xuất chưa kịp đổi mới, nghề đúc đồng Đại Bái bị mai một dần. Dân làng người chuyển nghề, người đi làm thuê cho các địa phương khác… Làng nghề chỉ bắt đầu được khôi phục khi tỉnh có chủ trương khuyến khích phát triển làng nghề gắn liền với du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hải, một nghệ nhân đúc đồng trong làng cho biết: “Đúc đồng thủ công có rất nhiều công đoạn phức tạp. Với nguyên liệu là đồng nát và than lim, muốn đúc thành đồng, người thợ phải tạo và sử dụng các loại khuôn, lò nấu, lò nung, bễ thổi lửa, đe, búa, kìm cặp… Lò nấu đồng có nhiều loại với kích cỡ khác nhau, tùy theo số lượng đồng cần dùng nhiều hay ít. Nồi đúc đồng được đặt dưới lò đúc. Khi đồng nóng chảy thì tự chảy xuống nồi đúc. Người thợ bê hoặc khênh nồi, rót đồng vào khuôn. Trước khi đặt nồi đúc vào lò nấu đồng, người thợ phải đổ một lớp tro mỏng vào đáy nồi để cho đồng khỏi dính.

Linh hồn của làng nghề chính là các nghệ nhân. Lớp nghệ nhân trẻ tuổi ở Đại Bái đã dần phát huy được tinh hoa của thế hệ cha ông đi trước, áp dụng phương pháp mới trong sản xuất để tạo ra sản phẩm không những giữ được dáng vẻ truyền thống mà còn sắc sảo hơn. Hiện người trẻ tuổi nhất mà có tay nghề cao trong làng là anh Trần Văn Hải, 33 tuổi. Những sản phẩm đồng dưới bàn tay của anh có nét và đẹp hơn người khác, vì thế mà những người sành sỏi thường tới tận nhà anh để đặt hàng. Anh Hải cho hay: “Khâu khó nhất trong đúc đồng là pha chế kim loại. Đây là bí quyết và kinh nghiệm của làng nghề. Khâu này quyết định phần lớn đến âm thanh của các loại chuông, chiêng… Ngoài anh Hải, trong làng còn có nhiều nghệ nhân trẻ khác như Trần Vĩnh Thân, Trần Văn Bỉ, Huỳnh Quang Tuấn… Họ đều lớn lên ở mảnh đất này và giờ đây đang làm hồi sinh làng nghề đã có thời gian dài bị mai một.

Đến Đại Bái vào thời điểm này, du khách có thể sẽ tưởng đây là làng nghề gốm, bởi trong chiếc sân rộng của làng, các chàng trai học nghề đang làm các khuôn đúc bằng đất sét như đang làm gốm. Sản phẩm chính hiện nay của làng là các loại chân đèn, lư hương… dành cho thờ cúng, giá rẻ nhất là 150.000 đồng/bộ, cao nhất là 1.000.000 đ. Các lò đồng hiện vẫn giúp nhau theo lối “đổi công”, nghĩa là khi nhà này nấu đồng thì nhà kia qua giúp rồi xoay trở lại. Những nhà không có vốn thì ăn theo nghề đồng bằng cách làm khuôn đúc chân đèn với giá vài ngàn đồng/bộ.

Đến Đại Bái, ngoài việc lựa chọn, mua sắm các vật dụng, hàng lưu niệm với mẫu mã, kích thước đa dạng, du khách còn có cơ hội được trực tiếp tham quan các công đoạn sản xuất của nghề đúc đồng và được xem nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ bằng đồng do chính mình làm ra.Ngoài ra làng đang tập trung vào đúc tượng đồng, đúc tượng chân dung và tượng phật, song song là làm những món quà tặng bằng đồng cao cấp và sang trọng.

Sự hồi sinh của một làng nghề còn là một nét văn hóa làng quê độc đáo. Với Đại Bái, đây còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ quyết tâm giữ lại nét riêng của mình sau hơn một trăm năm.

Chat Zalo
0985231059