13 07 2017
Trước nguy cơ mất nghề, làng đúc đồng Đại Bái đã đổi mới, nhiều hộ đã đầu tư phương tiện máy móc hiện đại, hạn chế gia công nhỏ lẻ, thủ công, sản xuất nhiều sản phẩm từ đồng, nhất là đồ mỹ nghệ thờ cúng, trang trí, như: Tượng đồng, tranh chữ đồng, hoành phi, câu đối, tượng, linh vật… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở ở Đại Bái đã dùng đồng để chế tác những công trình lớn như đúc tượng chân dung, tượng phật theo yêu cầu… trị giá từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng. Đến nay, các sản phẩm của làng nghề Đại Bái đã nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương và làm phong phú thêm văn hóa truyền thống của người Kinh Bắc.
Tùy vào mục đích chế tác của thợ thủ công, các gia đình làm nghề đúc đồng ở Đại Bái có thể sản xuất đồng có hình dáng, kích thước khác nhau, ví dụ như các viên đồng trong ảnh.
Các sản phẩm đồ mỹ nghệ bằng đồng sau khi đúc xong được trải qua các công đoạn chế tác thủ công rất tỷ mỉ, được đánh bóng và hoàn thiện tại xưởng rồi mới đưa đi tiêu thụ.
Đồng đỏ nguyên chất để đúc các loại vật dụng thờ cúng luôn có giá trị cao. Trong ảnh, một khách hàng say sưa ngắm sản phẩm đúc đồng tinh hoa được bày bán ngay tại cổng làng Đại Bái.
Hiện nay, khi nhu cầu về đồng tăng, ở Đại Bái xuất hiện một số cơ sở chế tác công trình bằng đồng. Đó là công việc giống như làm gỗ, làm sắt mỹ nghệ thủ công, nhưng tỉ mỷ và vất vả hơn vì đặc tính của đồng là rất dẻo, dễ cong vênh, khó hàn, khó chế tác và lắp ghép. Trong ảnh, một người thợ đang nắn thanh đồng cho thẳng bằng phương pháp thủ công.
Để làm ra được sản phẩm tượng chân dung hay tượng phật với đường nét văn hoa tinh tế thế này, những người thợ thủ công ở Đại Bái đã bỏ ra khá nhiều công sức. Người có tay nghề khá và giỏi ở đây có thể đạt thu nhập tới gần 500.000đ/ngày.